Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

THÚ THẢ DIỀU

Mới cuối tháng hai âm lịch mà những cơn gió nồm đã bắt đầu quay lại. Thường thì buổi chiều lúc trời chưa tắt nắng thì dường như bọn gió kéo bè kéo cánh ngùn ngụt đổ về. Bầu trời miền nam lúc vừa chớm hạ sao mà mênh mông đến thế trong ánh tà dương! Lũ trẻ choai choai ngồi trong nhà buồn hiu chờ cơm tối không biết làm gì, ngồi không cũng uổng bèn hú nhau…đi thả diều.
Ở cái đất Sài Thành hoa lệ nầy bây giờ đâu còn chỗ trống nào cho bọn trẻ tha hồ chạy nhảy? Vậy là bọn chúng túa ra những mảnh đất rộng vùng ven mới đô thị hóa chút chút như ở bên Quận 8, Huyện Bình Chánh, Hóc Môn…Nhưng có lẽ đất Quận 8 là nơi “đắc địa” nhứt bởi còn chữ Quận phía trước có nghĩa là cũng còn gần.
Buổi chiều tôi chạy xe trên đại lộ Đông Tây dọc theo Kênh Tàu Hủ kéo dài lần lượt từ Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Bến Bình Đông, Bến Bình Tây vô thấu Rạch Lò Gốm. Bứt lên khỏi cây cầu Lò Gốm mới xây cao nghệu đã thấy trước mắt không biết cơ man nào là những chú diều đủ kiểu đủ loại, đủ màu sắc đang bay phất phới đầy trời. Có cả người lớn và trẻ con tham dự. Tất cả đều là những con diều được làm sẵn bằng khung nhựa tổng hợp phất vải lòe loẹt lên trên được bán dạo dài dài quanh đó. Một trăm phần trăm những con diều đi mua đều cất cánh được lên. Thả “mút chỉ” rồi cầm cuộn nhợ trong tay ngó quanh ngó quẩn thôi thế mà gọi là một thú vui…tao nhã ư? Theo tôi đó chỉ là một trò tiêu khiển, chẳng qua là người ta mặc cho nó một chiếc áo quá khổ mà thôi!
Mỗi năm tại bãi biển Vũng Tàu đều có một festival thả diều quy tụ các nước Đông Nam Á rất hoành tráng. Những con diều được họ làm bằng đủ loại chất liệu, đủ loại hình thù, đủ loại kích cỡ, đủ loại màu sắc bay chập chờn chen chúc trong ngọn gió nam trông rất rực rỡ.
Đây, để tôi kể lại những chuyện nầy mới xứng đáng gọi là cái THÚ THẢ DIỀU.
Đó là những chú nhóc độ tuổi từ 8 đến 15 tự mình làm những con diều để chiều chiều tụ nhau trên bãi đất trống đâu đó thi nhau thả lên trời. Cũng bắt chước người ta tìm những cây tre thiệt già ngoài bờ rào hạ xuống chẻ ra rồi vót thành nan rồi cũng gọt dủa tỉa tót sao cho khung càng mảnh sẽ càng nhẹ để con diều bay cao. Hạ một cây tre xuống rồi chia cho năm bảy chú cùng hội. Lấy nhợ hay kẽm nhỏ buộc thành một cái khung hình vuông hay hình thoi tùy ý có đường chéo ở giữa. Thêm một cọng nan hình bán nguyệt ở đầu mũi. Chỉ vậy thôi rồi lấy giấy nhựt trình phết hồ dán lên cái khung ấy, sang hơn nữa thì chôm vài tờ pelure-fort của ông già cho con diều trắng trẻo tinh tươm. Lại còn dán cả hai con mắt nữa chớ! Cắt hai mảnh giấy nhọn hoắt dài thượt làm hai lỗ tai cho con diều. Cái khó là làm đuôi diều. Phải biết tính toán làm sao cho cái đuôi phải cân bằng với thân diều thì mới mau bốc lên cao. Ngắn quá thì diều hay bị chao nghiêng, dài quá thì con diều sẽ lượn lờ như con vịt đẹt bay không cao kịp với đám bạn. Nhiều tay còn ngoắc ngoéo cắt từng sợi giấy rộng khoảng 3 phân ra rồi dán lồng vào nhau những vòng tròn…như sợi dây chuyền để làm đuôi diều.
Cái khó nhứt trong công đoạn làm diều là buộc dây lèo. Sợi nhợ thả diều phải buộc đúng vào trọng tâm thân diều thì mới khỏi bị chao nghiêng và hứng trọn vẹn con gió để diều mau bốc lên, càng cao càng hay.
Nhưng có phải con diều nào tự mình làm ra đều cất cánh ngon ơ cả đâu! Có con chỉ bay lẹt xẹt cao hơn ngọn mía chút xíu là cắm đầu xuống đất. Trong khi chạy lấy đà mắt ngó về phía trước nhìn đường, chừng nghe nặng tay quay lại thì hỡi ơi! Chỉ còn là một miếng giấy vụn rách tơi tả.
Ngọn gió chiều đang hây hẩy mời gọi ngoài kia. Cầm con diều giấy tự tay mình làm chạy lấy đà một đoạn rồi buông tay cho con diều chao nghiêng rồi từ từ bốc lên cao. Nương theo chiều gió, tay giật giật sợi nhợ như tăng tốc cho chú diều. Mỗi cái giật làm hai má con diều hóp lại hứng gió rồi buông ra một đoạn nhợ để con diều từ từ bốc lên bầu trời xanh. Lâu lâu ta lại lia ngang cánh tay để con diều lượn lờ chao đảo một cách điệu đàng tít trên cao. Thế mới gọi là THÚ chớ!
Nhìn chán bèn lấy ít miếng giấy xé tròn ra cỡ bằng hai đồng xu với một lỗ tròn ở giữa rồi xé một đường đụng tâm để tròng vô sợi nhợ. Cứ giựt một cái, mảnh giấy lại trôi một đoạn lên trời. Hết miếng nầy tới miếng khác gọi là gởi thơ cho Ông Trời!
Hồi tôi còn nhỏ thì chưa có sợi nhợ nylon xuất hiện, chỉ thả diều bằng cuộn chỉ may…ăn cắp của Bà Nội thôi. Những tay đầy bản lĩnh mưu lược thì dở trò cắt diều. Chú ta điều khiển cho diều bay ngang bay lộn đều được rồi lựa thế cắt ngang sợi nhợ của đối thủ. Thế là…diều băng! Tiếng trầm trồ vỗ tay thán phục chen lẫn tiếng chửi đổng của mấy thằng nhỏ nhà quê vang rần trên bãi thả.
Đứng ngắm thành quả của mình đang phất phơ trên bầu trời xanh lộng gió, tôi như thả những ước mơ của mình vào cánh diều đang bay lượn trên cao. Tôi mơ có ngày mình được chắp thêm đôi cánh bay cao để từ đó được nhìn ngắm cỏ xanh sông biếc dưới chân mình, nhìn mái nhà tranh đang tỏa khói ấm nồng của bữa cơm chiều nóng hổi đang đợi, nhìn những người bạn tuổi ấu thơ đang chạy nhảy vui đùa phía dưới xa kia…Rồi cũng có ngày tôi được đứng nhìn như thế từ phía trên cao, cũng cỏ xanh sông biếc, cũng những nếp nhà tranh, cũng có những ngọn khói nhưng chẳng phải là ngọn khói lam chiều mà là ngọn khói của lửa chiến tranh đang đốt phá làng mạc, cũng có những con người đang chạy nhảy dưới kia nhưng không phải để vui đùa mà chạy trốn những hiểm nguy đang rình rập. Và từ trên cao tôi đã nhảy xuống để hoàn thành nốt những động tác mà Thần Chết chưa kịp ra tay. Đừng tưởng thế mà hào hùng, sợ hãi và chua chát lắm!
Người mọi cà-răng căng-tai (đây là tiếng xưa chỉ những người dân tộc Stiêng ở miệt Bình Long, Phước Long thời Pháp thuộc) họ cũng biết làm diều. Con diều họ làm bằng những cọng lạt tre lồ ô chuốt mỏng hun khói đan lại rồi phất lên một khung song mây hình quả trám rộng khoảng hơn một sải tay. Dây thả diều được họ đánh lại bằng sợi vỏ những dây leo trong rừng nên cực kỳ bền chắc. Trên thân diều họ gọt vài cái sáo bằng cây nứa gắn kèm theo. Khi con diều nặng nề ấy đã bay được lên cao, họ đóng một cái nọc bằng gỗ dưới đất cột dây diều vào để đó. Tiếng sáo đủ mọi cung bậc cứ réo rắt ngày đêm trên trời cho đến khi hết mùa gió. Tôi nghĩ đó chưa hẳn đã là một thú chơi mà hình như là một công cụ để họ đoán cường độ gió trong ngày để thuận tiện cho công việc tính toán nào đó của họ chưa biết chừng.
Gần xưởng làm việc của tôi có mấy anh chàng người Bắc. Tuy tuổi xấp xỉ bốn mươi, nhưng chừng như tuổi thơ của họ chưa qua mất. Họ làm những chiếc diều khá lớn phất bằng giấy bao xi măng hình thù rất đẹp in hệt như trong giải thưởng điện ảnh Cánh Diều Vàng của Việt Nam.
Họ treo vào đó một cây sáo để chiều chiều tiếng sáo diều như du hồn tôi vào cõi nhớ mà trở về tuổi ấu thơ.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

LỤC BÁT TÌNH



Tình chi cho phi vương mang?
Câu thơ lc bát mênh mang n tình.
Câu tám anh gi cho mình,
Câu sáu gi gió cho tình bay xa.
Anh, chàng lãng t hào hoa,
Mt thi phiêu lãng đã qua mt ri.
Gi anh ch mt mình thôi,
Bao nhiêu hoa đp đã trôi theo mùa.
Anh v quét lá sân chùa,
Câu kinh theo gió b bùa hn anh.
Đâu còn nhng si tóc xanh,
Nghĩ chi đến chuyn loanh quanh tình bun.
Gi tâm theo nhng tiếng chuông,
Công phu sm ti anh buông ly phin.
Gt đi hết sch nim riêng,
Thân tâm an lc nơi min khói hương.
Bóng chiu đ xung đi nương,
Thân k chân Pht hết vương bi tình.
Đêm v anh tng xp kinh,
Niết Bàn mi gi anh linh bay v.

 s@...

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

NHẪN CỎ



Anh vẫn nhớ một ngày vui năm cũ
Sinh nhật em tặng một nụ xuân tình
Biết anh nghèo cuộc sống vẫn linh đinh
......
(*)
......
Em thỏ thẻ biết anh nhiều khốn đốn
Tình em đây anh hãy trốn vào trong
Mặc cuộc đời, anh quên hết cho xong
Hãy đứt đoạn đời buồn, mong vui lại.

Tuy biết thế nhưng anh còn ái ngại
Quà cho em tương đối phải xứng tình
Em cười hiền, sao anh quá phân minh
Thôi cứ kết cho em hình nhẫn cỏ.

s@...

(*) có những điều đã thuộc về một MÙA CŨ